Hàng Tấn và qua đời Đào_Hoàng

Năm 280, Tấn Vũ Đế đem quân diệt Ngô, hạ Kiến Nghiệp, bắt sống Tôn Hạo. Tôn Hạo đích thân viết một bức thư, sai Hoàng Tức đến khuyên Đào Hoàng quy thuận nhà Tấn. Đào Hoàng khóc suốt mấy ngày, sau cùng mới chịu, sai sứ đưa ấn bao về Lạc Dương. Tấn Vũ Đế cho ông giữ nguyên chức cũ, lại ban tước Uyển Lăng hầu, Quan quân tướng quân[6].

Sau khi diệt được Ngô, nhà Tấn định giảm quân ở các châu, quận Đào Hoàng dâng sớ lên vua Tấn nói:

Giao Châu khuất nẻo riêng một miền, chen vào giữa núi và biển, ngoài cách với Lâm-Ấp chỉ có bảy trăm dặm. Tướng Mường là Phạm Hùng mấy đời làm giặc lẩn lút, thường cướp phá trăm họ. Lại kết liên với Phù - Nam, hăng vào quấy rối: nào đánh phá quận - huyện; nào giết hại quan, dân... Tôi khi xưa được nước cũ kén dùng, đóng quân ở miền Nam có hơn mười năm. Tuy trước sau đánh dẹp, giết được bọn Cừ Khôi nhưng trong núi, thẳm, hang cùng, vẫn còn có những quân nấp-náu. Vả lại đám quân của tôi coi, vốn có hơn tám nghìn người. Đất miền Nam nóng ẩm, phần nhiều có khí-độc. Lại thêm liên năm đánh dẹp, chết mòn mãi đi, hiện nay còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Nay bốn biển hỗn-đồng, không đâu là không thần phục. Cố-nhiên nên cuốn giáp, bỏ gươm chăm về lễ, nghĩa. Nhưng người trong châu này, chán chuyện yên vui thích gây họa-loạn! Lại bờ biển phía nam Quảng-Châu vòng quanh hơn sáu nghìn dặm, không chịu tòng-phục đến hơn năm vạn nhà! Cùng với những bọn bất-kham ở Quế Lâm cũng đến vạn nhà nữa! Đến như bọn chịu gánh vác việc quan, chỉ có hơn năm nghìn nhà. Môi răng của hai châu, vững được chỉ trông nhờ quân lính. Lại Ninh Châu. Hưng Cổ, tiếp giữ thượng lưu, cách quận Giao-Chỉ nghìn sáu trăm dậm. Đường thủy, đường bộ đều thông. Giữ gìn lẫn cho nhau. Quân trong châu chưa nên rút bớt, để tỏ ra vẻ mảnh rẻ, trống rỗng...

Vua Tấn nghe lời ông.

Theo sử sách, Đào Hoàng ở Giao Châu hơn 30 năm, ân, oai tỏ rõ, được dân khác tục quý mến. Năm 300, ông qua đời, người cả châu kêu khóc như chết mất cha mất mẹ.

Không rõ Đào Hoàng thọ được bao nhiêu tuổi. Nhà Tấn cử Ngô Ngạn sang thay Đào Hoàng giữ Giao châu, còn người con của ông làm Đào Uy làm Thương Ngô thái thú, sau lại được thăng làm Thứ sử.